Được tạo bởi Blogger.

Căn hầm chiến tranh dưới lòng khách sạn Hà Nội trên báo Phá

Hãng thông tấn AFP đã có bài viết về căn hầm bí mật dưới lòng khách sạn ở Hà Nội, từng là nơi trú ẩn cho các quan khách, từ ngôi sao Hollywood cho đến các phái đoàn thương mại. Căn hầm đã phác họa đôi chút về những năm tháng chiến tranh ác liệt.

Tổng giám đốc khách sạn, ông Kai Speth đang kiểm tra cửa thông gió của căn hầm dưới lòng khách sạn (ảnh Metropole)



Bị niêm phong và bị lãng quên sau khi chiến tranh chống Mỹ kết thúc vào năm 1975, căn hầm ngầm ẩm ướt đã được đào thấy trong một lần tu sửa gần đây của khách sạn, hiện là nơi lui tới yêu thích của khách du lịch nước ngoài cùng những người giàu có.

“Tôi có cảm giác gần giống như Indiana Jones khi phát hiện ra ngôi đền Doom vậy”, Kai Speth, tổng giám đốc khách sạn Metrople, nhớ lại khi lần đầu tiên tiến vào căn hầm có 7 ô nhỏ bị ngập nước đến đầu gối.

Ông cho biết từ trước đã có nhiều lời đồn về căn hầm rộng chưa đầy 20m này nằm dưới quầy bar của bể bơi. “Vì vậy tôi nói với đội sửa chữa khi họ tu sửa lại nền móng quầy bar rằng: “Cứ đào sâu xuống chút nữa”.

Căn hầm được xây dựng vào năm 1968 khi khách sạn, khi đó được gọi là Thống Nhất, là nơi nghỉ của các quan khách, phái đoàn đến thăm Hà Nội. Trong số những quan khách đó, có hàng loạt các nhà hoạt động chống chiến tranh người Mỹ nổi tiếng.

Nữ diễn viên Jane Fonda và ca sỹ nhạc đồng quê Joan Baez đều từng ở trong căn hầm này. Thậm chí ca sỹ Baez còn thu âm một bài hát trong căn hầm, khi Hà Nội bị ném bom ác liệt vào dịp Giáng sinh, tháng 12/1972. Trong suốt 11 ngày đó, Mỹ đã ném khoảng 20.000 tấn bom.

Hơn 1.600 dân thường đã thiệt mạng trong đợt dội bom và bản thu dài 21 phút của ca sỹ Baez “Where Are You Now My Son” (Tạm dịch Giờ con ở đâu hỡi con trai) đã được ra đời trong những bức tường bê tông chật hẹp đó, thu giữ được một số âm thanh của Hà Nội thời chiến.

“Con có thể nghe thấy tiếng bom rơi. Con có thể nghe thấy tiếng súng máy phòng không đặt trên Nhà hát lớn văng vẳng” gần khách sạn, Speth đã viết như vậy.

Còn diễn viên Fonda đến sau đợt ném bom Giáng sinh đó, phiên dịch viên của bà khi đó, Trần Minh Quốc, cho biết. Tuy nhiên bà đã bị mắc kẹt trong rất nhiều cuộc không kích trong chuyến đi đầy tranh cãi ở Việt Nam, mà sau này trở về Mỹ, bà có biệt danh là “Jane Hà Nội”.

“Chúng tôi có thể nghe thấy tiếng bom từ ở xa và chúng tôi cùng nhau xuống hầm…Không quân Mỹ chưa bao giờ ném trúng khách sạn. Fonda rất bình tĩnh…Bà không hề tỏ ra sợ hãi”, phiên dịch của bà cho hay.

Dấu tích chiến tranh ở khắp nơi

Căn hầm ở khách sạn Metropole là một trong hàng ngàn căn hầm tránh bom được đào ở khắp Hà Nội trong thời chiến. Hầu hết các căn hầm này đã bị lấp sau chiến tranh. Tuy nhiên, một trong những căn hầm nổi tiếng còn sót lại là căn hầm đằng sau các bức tường thành Thăng Long, nơi các nhà lãnh đạo chủ chốt như Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng trú ẩn tránh bom.

Khách du lịch tới thành phố Hồ Chí Minh cũng có thể thăm bảo tàng chiến tranh và địa đạo Củ Chi nổi tiếng, những dấu tích cụ thể về thời chiến tranh.

Hay một tấm bảng nhỏ cạnh Hồ Trúc Bạch ở Hà Nội ghi dấu địa điểm nơi thượng nghị sỹ Mỹ John McCain từng bị bắn hạ trong thời gian tham chiến ở Việt Nam với tư cách là phi công hải quân. Ông đã được kéo vào bờ và trở thành tù binh chiến tranh. Chiếc máy bay của ông là một trong 10 chiếc máy bay Mỹ bị bắn hạ chỉ trong một ngày của năm 1967.

Khách du lịch cũng có thể thăm “Hilton Hà Nội”, nơi những tù binh chiến tranh Mỹ như McCain từng bị giam giữ. Hầu hết nhà tù Hỏa Lò trước kia đã bị phá hủy. Hiện chỉ còn một số phần như cổng nhà tù, và trở thành bảo tàng.

Tuy nhiên không phải tất cả các tàn tích chiến tranh của Hà Nội đều được ghi nhớ. Bên bờ Hồ Tây, một gia đình đã chuyển kho vũ khí của Pháp trước kia thành quán café. “Quán café này có phong cách đặc biệt bởi giá trị lịch sử của nó. Khi mọi người đến đây, họ tò mò về lịch sử”, chủ quán café cho biết.

Ở những nơi khác trong thành phố, quá khứ chiến tranh thấm đẫm khung cảnh. Một ngôi chùa nhỏ ở phố Yên Ninh-Hàng Bún được ghi dấu là địa điểm lính Pháp đã nã đạn vào chợ, khiến hàng chục dân thường thiệt mạng. Và vụ việc được cho là đã châm ngòi cho cuộc chiến Đông Dương đầu tiên vào năm 1946.

Tên của ngôi chùa có nghĩa là “căm thù” và đây là từ phổ biến được dùng trong chiến tranh. Ngày nay, ngôi chùa nổi tiếng vì một lý do khác nữa: nơi có hàng bún ngon.

Bữa ăn thấm đẫm quá khứ

Các chủ cửa hàng khác cũng hi vọng kiếm được tiền nhờ kiểu ẩm thực gợi nhớ thời chiến như thế này. Một quán tại Hà Nội, với tên gọi “Cửa hàng ăn uống mậu dịch số 37” cũng đưa thực khách trở lại thời kỳ tem phiếu.

Với khoảng 25 đô la, thực khách có thể có một bữa ăn cho 6 người theo đúng kiểu những năm 1970 trong không gian nhuốm sắc màu hoài chiến. Thực khách được đội ngũ nhân viên mặc đồng phục đúng như trong các cửa hàng nhà nước thời đó phục vụ.

“Một nơi tuyệt vời để người già nhớ lại thời kỳ khó khăn và cho người trẻ hiểu về một thời kỳ lịch sử, mặc dù tất cả các món ăn đều không ngon lắm”, một bài đánh giá của TTXVN hồi tháng 9 cho biết.

Với Bob Devereaux, nhà ngoại giao Australia đã ở Hà Nội năm 1975, dấu tích chiến tranh đóng vai trò quan trọng giúp thế hệ trẻ hiểu về quá khứ, bởi khoảng 60% dân số Việt Nam là dưới 35 tuổi.

Devereaux từng ở khách sạn Thống Nhất, do sứ quán Australia được đặt ở đây vào thời kỳ đó. Ông đã dùng căn hầm ngầm làm nơi chứa đồ, thậm chí còn khắc tên ông trên bức tường xi-măng ướt và dấu tích đó vẫn còn đến tận ngày nay.

“Nếu bạn tìm thấy chai rượu nào, thì chúng là của tôi đấy”, ông cười nói. Ông đã dẫn phóng viên AFP đi quanh căn hầm vào đầu năm nay, sau khi hầm được mở cửa cho công chúng. Ông cũng rất vui mừng khi khách sạn bảo quản căn hầm đúng như nguyên trạng.

“Tôi là người hoài cổ vì vậy tôi thấy căn hầm thật tuyệt. Nó nhắc tôi nhớ lại khoảng thời gian quanh năm 1975. Chiến tranh thật đau đớn và tàn ác”, ông nói.

Ở Việt Nam “những người trẻ hơn 40 tuổi hoặc tầm đó không có ký ức chiến tranh”, ông nói. “Vì vậy tôi nghĩ căn hầm có ý nghĩa lớn với họ, để họ thấy được cuộc sống trước đây như thế nào.”

Theo Dân trí

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 

Logo VNBAYS

Vnbays.com

Trao đổi links

Add your link here, contact my email: hao.lamhochieu@gmail.com thanks
Travel Backlinks